Vịt là món ăn phổ biến trong thực đơn hàng ngày của người dân Việt. Một loại gia cầm, một món ăn tưởng chừng như mọi người đều rõ, nắm như lòng bàn tay nhưng thực tế, vịt có nhiều loại và không phải ai cũng biết hết. Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn về giống vịt cỏ và ưu điểm nổi trội của loài vịt trị nhiều bệnh trong đông y. Đón xem ngay nhé!
Giới thiệu Vịt cỏ là gì?
Vịt cỏ (hay còn gọi là vịt đàn, vịt Tàu, vịt đồng, vịt chạy đồng) là giống vịt nhà có nguồn gốc ở Việt Nam, đây là một trong những giống vịt được nuôi phổ biến rộng rãi ở vùng nông thôn Việt Nam. Chúng có nguồn gốc từ vịt trời, qua quá trình thuần hóa tự nhiên tạo thành giống vịt cỏ thích nghi với đời sống chăn thả. Do không có tác động chọn lọc, nên giống vịt này đang bị pha tạp nhiều. Vịt cỏ có tập tính theo đàn, di chuyển nhanh, tìm kiếm mồi giỏi, chịu đựng kham khổ, chống đỡ bệnh tật tốt, thuận lợi cho việc chăn thả trên đồng bãi. Chúng cũng là một trong những biểu tượng của làng quê Việt, nhất là quen thuộc ở những vùng sông nước.
Đặc điểm nhận biết vịt cỏ
Dựa vào màu lông
Vịt có lông màu vàng, có con màu xanh, màu cà cuống có chấm đen, có con đen nhạt. Vì bị pha tạp nhiều nên có nhiều màu lông khác nhau. Vịt có đầu thanh, mắt sáng, linh lợi, mỏ dẹt, khỏe và dài, mỏ thường có màu vàng, có con mỏ màu xanh cà cuống lấm chấm đen, có con màu tro. Cổ dài, mình thon nhỏ, ngực lép. Chân hơi dài so với thân, chân thường màu vàng, có con màu nâu, một số con màu đen (những con này toàn thân có màu da xám). Những con màu lông khác thì có da trằng hơi vàng. Dáng đi nhanh nhẹn, kiếm mồi giỏi, tỷ lệ nuôi sống cao.
Khối lượng
Khối lượng mới nở 42 g/con. Lúc trưởng thành con trống nặng 1,6 kg, con mái nặng 1,5 kg/con. Vịt Cỏ có khối lượng thấp, tỉ lệ thân thịt khoảng 50%, tỉ lệ xương 15-16% ở vịt đã chéo cánh. Trọng lượng giết thịt lúc 75 ngày tuổi chỉ đạt 950 – 1100 gr/con. Trọng lượng vịt bỏ nội tạng đầu, chân chiếm 70% so với trọng lượng sống, trọng lượng thịt đùi là 15,2% và trọng lượng thịt ức là 8,8%. Con vịt cỏ nặng chỉ chừng 1,2 – 1,4 kg thịt có thơm ngon
Thịt vịt cỏ (hay còn gọi là Vịt Tàu), thịt ít mỡ,khi chín thịt có màu hồng nhạt, thịt thơm và béo ăn với nước mắm gừng chua chua ngọt ngọt mang lại cảm giác ngon miệng, kích thích vị giác và ngon miệng. Vịt cỏ là món đặc sản, nhất là vịt cỏ Vân Đình, hiện nay dòng vịt Vân Đình đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vịt Cỏ không có khả năng tích luỹ mỡ nhiều, khó béo nên Người ta không vỗ béo, ngoài ra, do vịt nhút nhát, hiếu động, thực quản mỏng khi nhồi béo dễ vỡ, vì thế không nhồi béo và vỗ béo vịt cỏ.
Cách chọn thịt vịt tươi ngon và an toàn
Khi bạn muốn chọn thịt vịt cỏ ngon thì vịt khi chọn phải là vịt có ngày tuổi thích hợp. Bạn không nên chọn thịt vịt quá già, vịt ngon thường mọc đủ lông, có ức và phao câu đều trò. Bên cạnh đó, chọn thịt vịt có vùng da bụng cùng da cổ của vịt phải dày, khi cầm lên có cảm giác rất nặng tay, đây cũng là cách để bạn chọn được những con vịt béo và ngon.
Ngoài ra, khi chọn vịt nên tránh không chọn vịt siêu thịt non vì ăn không ngon, lại mất nhiều công nhổ lông tơ. Nếu như vịt đã đẻ qua nhiều lứa thường có bụng dưới xệ xuống, vịt này ăn sẽ không ngon vì rất dai ăn kém ngon.
Chọn mua vịt theo từng loại
Theo kinh nghiệm của những nhà tiêu dùng thông thái chia sẻ thì mỗi một loại vịt lại có một đặc tính riêng và chất lượng thịt cũng không giống nhau, vì thế muốn chọn vịt ngon người tiêu dùng cũng cần nắm bắt kỹ khẩu vị của gia đình bạn cùng với tính chất thịt của từng loại vịt.
Nếu bạn muốn chọn vịt cỏ thì nhỏ hơn nhiều so với vịt xiêm và vịt ta, vịt cỏ có lông màu xám, được bày bán nhiều tại siêu thị và chợ, vịt tàu có ít mỡ, thịt ngọt, xương mềm và thịt cũng mềm ngon, ăn sẽ không có cảm giác ngán
Nếu bạn muốn chọn vịt xiêm lại là giống vịt rất to, màu lông xanh đen, thịt vịt dai hơn nhiều so với vịt cỏ. Nhưng khi bạn muốn luộc hoặc xào lăn thì có rất nhiều nạc.
Cách sơ chế thịt vịt ngon
Nếu bạn muốn làm sạch vịt trước tiên bạn cần biết cách nhổ lông vịt. Đầu tiên bạn hãy nhúng vịt vào trong nước lạnh để thịt vịt ngấm đều nước cho lông mềm dễ làm lông. Tiếp sau đó mới nấu nước sôi, nhúng vịt vào đều toàn thân rồi vớt vịt ra để nhổ lông sẽ dễ hơn.
Khi chế biến thịt vịt, nếu muốn khử sạch mùi hôi bạn hãy dùng giấm và rượu, muối giúp khử mùi hôi của vịt rất hiệu quả.
Những bài thuốc trị bệnh từ thịt vịt cỏ
Vào những ngày thời tiết mùa hè nóng nực, thịt vịt cỏ luôn là nguồn protein được ưu tiên hàng đầu vì tính mát, dễ ăn. Chúng ta thường làm vịt om sấu, nấu canh măng chua dịu… cả cái oi ả của mùa hè như dịu lại. Nhưng không đơn giản là món ăn, thịt vịt còn là vị thuốc chữa bệnh cực hữu ích trong Đông y.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam), trong Đông y, thịt vịt vị ngọt, mặn, tính bình, đi vào tỳ, vị, phế, thận, có tác dụng tư âm dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Thịt vịt được sử dụng cho các trường hợp suy nhược gầy sút, ăn kém, chán ăn, kiết lỵ, táo bón, phù nề, đới hạ, khí hư, đái tháo đường, sản phụ thiếu sữa, sốt nóng dai dẳng, lòng bàn tay bàn chân nóng, ra mồ hôi trộm, da tóc khô, miệng họng khô, khát nước.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, chúng ta hoàn toàn có thể chế biến thịt vịt thành những bài thuốc chữa bệnh sau:
Người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể:
Một con vịt, đại táo, liên nhục, bạch quả, cả 3 vị thuốc đều lấy 49 quả, nhân sâm 3g. Vịt làm sạch, đại táo tách bỏ hạt, liên nhục ngâm bóc bỏ vỏ và tâm sen, bạch quả bỏ vỏ và ruột, nhân sâm thái lát nhỏ vụn. Dùng rượu, tương và dầu quét đều ngoài da và trong bụng vịt, sau đó cho cả 4 vị thuốc vào bụng vịt, khâu lại, hầm chín rồi ăn.
Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, phù nề, tiểu ít:
Một con vịt, 200g đậu đỏ, thảo quả 10g, hành sống. Vịt làm sạch, đậu đỏ xay ngâm mềm đãi sạch cùng thảo quả xay nhuyễn, trộn đều rồi cho vào bụng vịt, khâu lại, cho nước đun ninh nhừ, thêm hành, không cho muối rồi ăn sẽ phát huy công dụng chữa bệnh rất tốt.
Vịt đực 1 con, gạo tẻ 100g. Vịt làm sạch, nấu cho chín nhừ, tiếp tục cho gạo tẻ nấu tiếp cho thành cháo, cho thêm 3 củ hành đã đập giập. Ăn nóng khi đói.
Tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt, tâm phiền, bị mất ngủ, hay quên:
Thịt vịt 100g nấu 30 phút, bổ sung đỗ trọng 30g, mộc nhĩ trắng 30g vào nấu thêm 15 phút rồi ăn.
Hen suyễn, thiếu máu:
Thịt vịt nạc 300g, băm nhỏ ướp gia vị, gạo tẻ 100g, nước mía 300ml, ninh nhừ. Cháo chín cho thịt vịt đảo đều, đun tiếp cho chín vịt. Ăn ngày 3 lần, duy trì liền một tuần.
Chưa hết, trong những tài liệu y thư cổ cũng nhận định, thịt vịt là loại thuốc bổ thượng hạng, có tác dụng điều hòa ngũ tạng, lợi thủy, trừ nhiệt, bổ hư. Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, trong 100g thịt vịt có khoảng 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng). Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, phốtpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acide nicotic… rất cao.
BS Doãn Thị Tường Vy (Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cũng nhận định, thịt vịt có chứa lượng lớn protein, sắt, canxi, phot pho, vitamin A, vitamin B1, vitamin D… cần thiết cho sức khỏe và quá trình tăng cân. Chính vì thế, ăn thịt vịt rất có lợi cho sức khỏe.
Lưu ý:
Mặc dù thịt vịt rất tốt nhưng chuyên gia đặc biệt lưu ý, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, lãnh cảm, đàn ông bị liệt dương không nên ăn nhiều. Người bị gút không nên ăn vì hàm lượng purin cao có thể làm tăng axir uric trong cơ thể. Người mắc chứng huyết áp thấp cũng không nên ăn vì thịt vịt tính hàn cao sẽ làm tụt huyết áp…
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.